Hai giảng viên của Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường được Thành phố tặng bằng khen về nghiên cứu khoa học

Chiều ngày 12/5, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ tôn vinh và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024. Sự kiện không chỉ ghi nhận những đóng góp nổi bật của cộng đồng khoa học mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của thành phố trong việc thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Tại buổi lễ, UBND thành phố đã trao bằng khen cho 35 tác giả và nhóm tác giả có 46 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục uy tín SCIE (Q1–Q2). Đây là hoạt động thiết thực nhằm khích lệ và lan tỏa văn hóa nghiên cứu khoa học, đồng thời hỗ trợ nâng cao thứ hạng của các trường đại học và đơn vị nghiên cứu trên bản đồ học thuật quốc tế.

Trong đợt khen thưởng lần này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng có 03 công trình được UBND thành phố tặng bằng khen vì đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (SCIE, Q1–Q2). Riêng Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường đã xuất sắc đóng góp 02 công trình trong số đó, cho thấy vị thế ngày càng được khẳng định của Khoa về nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và công bố quốc tế. Đối với Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường, việc liên tục có bài báo được công nhận và tôn vinh không chỉ là minh chứng cho năng lực nghiên cứu, mà còn tạo nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình, và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Những công bố quốc tế uy tín giúp tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối với doanh nghiệp và ứng dụng kết quả vào thực tiễn sản xuất, đời sống – đúng theo định hướng của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

A q

TS. Võ Văn Quân nhận bằng khen Thành phố (đứng thứ 2 từ phải qua)

TS. Võ Văn Quân, Phó Trưởng khoa, với bài báo: “Phản ứng phân hủy và trùng hợp của N-vinylpyrrolidone khơi mào bởi gốc hydroxyl trong môi trường lipid và nước”, đăng trên tạp chí Polymer Degradation and Stability (SCIE, Q1). Nghiên cứu sử dụng phương pháp tính toán lượng tử để làm sáng tỏ cơ chế và động học phản ứng của N-vinylpyrrolidone (NVP), một monomer quan trọng trong lĩnh vực vật liệu sinh học. Kết quả giúp định hướng phát triển các vật liệu an toàn hơn, cải thiện quy trình xử lý môi trường, và mở ra hướng ứng dụng mới cho công nghệ polymer hóa trong môi trường nước và sinh học

Picture2TS. Phan Chi Uyên nhận bằng khen (ngoài cùng bên phải)

TS. Phan Chi Uyên, Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học, với bài báo: “Tác động của tinh dầu quế/phức hợp bao gồm γ-cyclodextrin lên chất lượng và thời hạn sử dụng của đu đủ”. Nghiên cứu phát triển hệ thống bảo quản sau thu hoạch bằng phức hợp tinh dầu quế/γ-cyclodextrin, giúp kéo dài 55% thời hạn sử dụng và duy trì chất lượng quả đu đủ. Bài báo nhấn mạnh ứng dụng tiềm năng của các hợp chất tự nhiên trong bảo quản thực phẩm, góp phần giảm thất thoát nông sản và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Những công trình này không chỉ có giá trị học thuật mà còn mang ý nghĩa ứng dụng rõ rệt, góp phần khẳng định chất lượng nghiên cứu, uy tín học thuật và khả năng hội nhập quốc tế của Khoa cũng như Nhà trường. Với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và hệ sinh thái học thuật phát triển, Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường đã và đang trở thành hạt nhân quan trọng trong định hướng nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ bền vững của thành phố Đà Nẵng. Khoa không ngừng mở rộng hợp tác nghiên cứu, đẩy mạnh công bố quốc tế, chuyển giao công nghệ và tham gia tích cực vào các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với môi trường, nông nghiệp, thực phẩm và xử lý chất thải. Sự ghi nhận của UBND thành phố là động lực lớn để tập thể giảng viên, sinh viên tiếp tục phát huy trí tuệ, cống hiến cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của địa phương và đất nước.