Hội thảo Khoa học về xử lý chất độc hại trong môi trường:Từ lý thuyết đến thực tiễn

Sáng ngày 03/03/2025, Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng, đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề: “Xử lý các chất độc hại trong môi trường: Từ lý thuyết đến thực tiễn”, kết hợp kỷ niệm 23 năm thành lập Khoa.

1

TS. Ngô Thị Minh Phương- Phó trưởng Khoa CNHH-MT phát biểu khai mạc seminar.

Hội thảo có sự tham dự của Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Chủ nhiệm Khoa, các giảng viên, nhà khoa học, khách mời đến từ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng và đông đảo sinh viên chuyên ngành.

Mở đầu hội thảo, TS. Ngô Thị Minh Phương – Phó Trưởng khoa CNHH-MT đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu khoa học trong việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả, bền vững nhằm xử lý các chất độc hại, bảo vệ môi trường sống trước bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm gia tăng. Hội thảo vinh dự đón tiếp Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Chủ nhiệm Khoa, các nhà khoa học, giảng viên đến từ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, cùng đông đảo sinh viên chuyên ngành.

Nội dung hội thảo diễn ra sôi nổi với các báo cáo khoa học tiêu biểu, phản ánh những hướng nghiên cứu mới, mang tính ứng dụng cao, giúp gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết chuyên môn và thực tiễn sản xuất, bảo vệ môi trường. Trong đó, nổi bật là các báo cáo:

Báo cáo 01: Nghiên cứu quá trình phân hủy một số chất độc hại chứa nitrogen bằng tính toán hóa học (Báo cáo viên: TS. Võ Văn Quân). Báo cáo mở đầu hội thảo tập trung vào việc sử dụng công cụ tính toán hóa học hiện đại để nghiên cứu cơ chế phân hủy các hợp chất độc hại chứa nitrogen – nhóm chất phổ biến trong nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. TS. Võ Văn Quân đã trình bày cách ứng dụng mô hình hóa phân tử, tính toán năng lượng hoạt hóa, dự đoán sản phẩm trung gian và các con đường phản ứng xảy ra trong quá trình xử lý. Kết quả nghiên cứu không chỉ giúp hiểu rõ bản chất phản ứng hóa học mà còn là cơ sở để tối ưu hóa các quy trình xử lý thực tế trong các hệ thống xử lý nước thải hoặc khí thải chứa nitrogen. Báo cáo nhận được sự quan tâm đặc biệt của các giảng viên và sinh viên, bởi tính liên ngành giữa công nghệ hóa học, môi trường và khoa học máy tính.

2TS. Võ Văn Quân – Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ Mã số B2024.DNA.09 báo cáo tại seminar.

Báo cáo 02: Ứng dụng Hóa tính toán trong thiết kế thuốc và thực phẩm chức năng (Báo cáo viên: TS. Nguyễn Minh Thông – Khách mời từ Trường ĐHSP, Đại học Đà Nẵng). Khác với hướng tiếp cận truyền thống trong nghiên cứu dược phẩm và thực phẩm chức năng, báo cáo này đề xuất phương pháp tính toán hóa học để rút ngắn thời gian nghiên cứu, giảm chi phí thử nghiệm. TS. Nguyễn Minh Thông giới thiệu các công cụ mô phỏng tiên tiến, có khả năng dự đoán tương tác giữa hoạt chất và đích sinh học ngay từ giai đoạn thiết kế. Đây là xu hướng quan trọng, không chỉ trong y dược mà còn có thể áp dụng trong nghiên cứu các chất ức chế enzyme xử lý ô nhiễm, thiết kế các phụ gia sinh học phục vụ xử lý chất độc hại trong môi trường. Báo cáo đã gợi mở những tiềm năng mới trong việc kết hợp giữa hóa dược, công nghệ thực phẩm và khoa học môi trường, khuyến khích sinh viên nghiên cứu liên ngành, mở rộng cơ hội nghề nghiệp.

3TS. Nguyễn Minh Thông- Khách mời từ Đại học Sư phạm- ĐHĐN trình bày báo cáo tại Seminar

Báo cáo 03: Phục hưng bèo hoa dâu trong nông nghiệp – Giải pháp sinh học tiềm năng hướng tới Net Zero (Báo cáo viên: TS. Nguyễn Sỹ Toàn). Báo cáo này mang tính thực tiễn cao, khi hướng tới việc tận dụng bèo hoa dâu – một loài thực vật thủy sinh có khả năng hấp thụ dinh dưỡng thừa, kim loại nặng và tích lũy sinh khối nhanh. TS. Nguyễn Sỹ Toàn phân tích chi tiết những đặc điểm sinh học nổi bật, đồng thời nhấn mạnh vai trò của bèo hoa dâu trong mô hình canh tác hữu cơ, tuần hoàn dinh dưỡng, giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nông nghiệp Net Zero. Báo cáo cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong nuôi trồng, thu hoạch và chế biến bèo hoa dâu, mở ra nhiều hướng nghiên cứu và ứng dụng từ xử lý nước thải, phân hữu cơ sinh học, đến sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là minh chứng cho sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và phát triển nông nghiệp bền vững, nhận được sự đánh giá cao từ các đại biểu tham dự.

6Báo cáo Seminar về phục hưng bèo hoa dâu của TS. Nguyễn Sỹ Toàn

Bên cạnh các báo cáo chuyên môn, phần thảo luận cũng thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu, giảng viên và sinh viên tham dự. Những vấn đề thực tiễn đặt ra trong xử lý các chất ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ và xử lý nước thải đã được trao đổi sâu sắc, mở ra các hướng nghiên cứu và hợp tác mới trong tương lai. Hội thảo không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu, mà còn là cơ hội để Khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường nhìn lại chặng đường 23 năm xây dựng và phát triển, khẳng định vai trò tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ hóa học và môi trường.

4

Toàn thể giảng viên và sinh viên tham gia hội thảo

5Cán bộ giảng viên trong Khoa kỷ niệm 23 năm thành lập Khoa

Kết thúc hội thảo, Ban Tổ chức gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu, giảng viên, sinh viên đã tham dự và đóng góp cho sự thành công của sự kiện. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Khoa tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn kết lý thuyết với thực tiễn, góp phần vào sự phát triển bền vững của môi trường và xã hội.